Trễ kinh hay chậm kinh là tình trạng đã đến chu kỳ hành kinh nhưng mãi không thấy kinh nguyệt xuất hiện. Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh này đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Chu kỳ kinh ở mỗi người sẽ khác nhau, nhưng nếu kinh nguyệt cứ xuất hiện sau 24-38 ngày được xem là đều đặn và bình thường.

Khi kinh nguyệt xuất hiện muộn hơn chu kỳ kinh bình thường 7 ngày được xem là trễ kinh. Tuy nhiên, ở nhiều chị em, không phải tất cả các kỳ kinh đều diễn ra đều đặn như kim đồng hồ. Chậm kinh vài ngày thường không đáng lo ngại, nhưng nếu kinh nguyệt chậm vài tuần chị xem cần thăm khám và kiểm tra để xác định nguyên nhân do đâu.

Thống kê cho thấy, chậm kinh hay kinh nguyệt không đều xảy ra ở khoảng 14-25% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tình trạng này có thể là kết quả của một loạt vấn đề ngoài việc mang thai, chẳng hạn như mất cân bằng nội tiết tố, sử dụng các phương pháp tránh thai, căng thẳng, sụt cân, chấn thương… hoặc một số bệnh lý nhất định.

Vì thế, khi phát hiện bị chậm kinh nhưng không có thai, chị em hãy đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Sản Phụ uy tín để được thăm khám và kiểm tra tìm nguyên nhân. Khi có kết quả chẩn đoán, tùy vào nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý mà bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn chị em phác đồ điều trị phù hợp. Phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời các bệnh lý gây trễ kinh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Thời gian chậm kinh kéo dài là bất thường:

  • Chậm kinh 1 tháng
  • Chậm kinh 2 tháng
  • Chậm kinh 3 tháng
  • Chậm kinh 4 tháng

Chị em hãy duy trì thói quen theo dõi chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng để phát hiện sớm tình trạng trễ kinh

14 nguyên nhân trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai

Thông thường có 2 thời điểm mà chu kỳ kinh nguyệt không đều, một là thời điểm bắt đầu có kinh nguyệt (tuổi dậy thì), hai là chuẩn bị bước sang thời kỳ mãn kinh. Khi cơ thể trải qua hai quá trình chuyển đổi này, chu kỳ kinh có thể trở nên không đều, bao gồm cả chậm kinh.

Nếu bị trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai mà cũng không ở hai thời điểm kể trên có thể xuất phát từ 14 nguyên nhân dưới đây:

1. Đang trong giai đoạn cho con bú

Trong thời gian cho con bú, cơ thể phụ nữ sẽ sản xuất ra hormone prolactin. Việc sản xuất quá nhiều prolactin có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh, và đó là lý do vì sao hầu hết những bà mẹ cho con bú đều không có kinh. Kinh nguyệt thường quay trở lại sau khi chị em ngừng cho con bú.

Mặc dù những bà mẹ cho con bú không có kinh sẽ ít có khả năng mang thai hơn, nhưng trong thời gian này vẫn có thể diễn ra sự rụng trứng. Nghĩa là chị em vẫn có thể mang thai nếu xảy ra hoạt động tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ.

Do đó, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để không lặp lại việc mang thai quá sớm, sau khi sinh con chị em nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả.

2. Căng thẳng, stress kéo dài

Căng thẳng, stress kéo dài có thể làm mất đi hormone, thay đổi thói quen hàng ngày và thậm chí ảnh hưởng đến vùng dưới đồi đảm nhận nhiệm vụ điều hòa kinh nguyệt. Theo thời gian, tình trạng căng thẳng và stress có thể dẫn đến sự tăng/giảm cân đột ngột hoặc bệnh tật, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Ngoài ra, căng thẳng và stress kéo dài cũng có thể làm nặng nề hơn các vấn đề sức khỏe mà chị em đang gặp phải. Vì vậy, nếu nghi ngờ chậm kinh nhưng không có thai là do căng thẳng và stress, chị em hãy thay đổi lối sống và dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn. Tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia, bác sĩ cũng có thể giúp cải thiện tình trạng căng thẳng gây trễ kinh cũng như sức khỏe tổng thể.

3. Giảm cân đột ngột

Giảm cân quá nhiều và đột ngột có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều, thậm chí dừng hẳn. Điều này là do cơ thể chị em không có đủ chất béo dẫn đến tạm dừng quá trình rụng trứng. Giải pháp chính là thực hiện chế độ ăn uống khoa học, giúp cơ thể có mức mỡ tối ưu có thể đưa chu kỳ kinh trở lại đều đặn như ban đầu.

4. Thừa cân, béo phì

Tương tự như việc giảm cân đột ngột, tình trạng thừa cân hay béo phì cũng có thể gây ra những bất thường đối với cơ thể và chu kỳ hành kinh. Thừa cân hay béo phì khiến cơ thể sản xuất dư thừa estrogen – một loại hormone sinh sản quan trọng. Có quá nhiều estrogen sẽ gây ra sự bất thường trong chu kỳ kinh, thậm chí có thể khiến chu kỳ kinh bị gián đoạn hoàn toàn.

Nếu xác định bị chậm kinh nhưng không có thai là do thừa cân hay béo phì, chị em hãy thay đổi lối sống bằng cách thay đổi chế độ ăn uống kết hợp tập luyện thể dục thể thao điều độ.

5. Tập thể dục quá sức

Trễ kinh hay vô kinh là tình trạng phổ biến ở những vận động viên nữ tập luyện cường độ cao. Việc tập luyện với cường độ cao khiến cơ thể giải phóng hormone gây căng thẳng, có thể cản trở việc sản xuất hormone sinh sản và gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh.

Các bài tập như chạy marathon đường dài hoặc múa ba lê cường độ cao có nhiều khả năng gây vô kinh cao hơn những bài tập khác.

6. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống đột ngột như tập thể dục cường độ cao hơn bình thường hoặc làm việc ca đêm cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt của chị em trở nên không đều.

7. Sử dụng chất kích thích

Thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá… có thể khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt. Nguyên nhân là do chất nicotine trong thuốc lá và khói thuốc tác động xấu đến cơ quan vùng chậu, làm giảm phân phối oxy đến cơ quan này và ảnh hưởng đến lớp niêm mạc tử cung. Do đó, thực hiện lối sống lành mạnh và tránh xa các chất kích thích là cách giúp chị em có kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn.

8. Phương pháp tránh thai

Chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể bị ảnh hưởng nếu chị em đang sử dụng hoặc ngừng sử dụng một biện pháp tránh thai nào đó. Chẳng hạn như thuốc tránh thai chứa hormone estrogen và progestin sẽ ngăn cản buồng trứng giải phóng trứng. Có thể mất đến 3 tháng chu kỳ kinh mới ổn định trở lại sau khi ngừng sử dụng thuốc.

Các phương pháp tránh thai khác như tiêm thuốc tránh thai hoặc cấy que tránh thai cũng có thể gây ra hiện tượng trễ kinh.

9. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng cơ thể chị em sản xuất nhiều nội tiết tố nam androgen hơn. Kết quả của sự mất cân bằng hormone này là hình thành u nang trên buồng trứng, có thể làm quá trình rụng trứng không đều hoặc ngừng hẳn. Thống kê cho thấy, có khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh nở mắc hội chứng buồng trứng đa nang. (3)

10. Bệnh phụ khoa

Một số căn bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm buồng trứng, suy buồng trứng… có thể gây ra triệu chứng trễ kinh hay chậm kinh. Do đó, nếu sau khi quan hệ bị chậm kinh nhưng không có thai, chị em hãy thăm khám sớm để tìm nguyên nhân, loại trừ các nguyên nhân bệnh phụ khoa có thể đe dọa khả năng sinh sản.

11. Suy buồng trứng sớm

Hầu hết phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi 45-55. Những trường hợp xuất hiện triệu chứng ở độ tuổi khoảng 40 hoặc sớm hơn có thể bị suy buồng trứng sớm (hay còn gọi là suy buồng trứng nguyên phát  – POI) hoặc mãn kinh tự nhiên sớm.

Có khoảng 1% phụ nữ trước 40 tuổi bị suy buồng trứng sớm. Mặc dù tình trạng này có thể phát sinh do phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác như rối loạn di truyền và bệnh tự miễn. Nếu đang ở độ tuổi từ 40 trở xuống và đang bị mất kinh, chị em hãy thăm khám sớm để được bác sĩ tư vấn và đưa ra lời khuyên.

12. Mắc các bệnh mạn tính

Các bệnh mạn tính như đái tháo đường hoặc Celiac cũng có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Những thay đổi về lượng đường trong máu có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố. Do đó, mặc dù hiếm gặp nhưng bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt có thể khiến chị em gặp tình trạng kinh nguyệt không đều.

Bệnh Celiac gây viêm có thể dẫn đến tổn thương ở ruột non, khiến cơ thể không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng. Điều này cũng có thể khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt hoặc bị mất kinh.

Các bệnh lý mạn tính khác có thể khiến kinh nguyệt không đều gồm:

  • Hội chứng Cushing.
  • Hội chứng Asherman.
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh.

13. Vấn đề ở tuyến giáp

Tuyến giáp hoạt động kém hoặc quá mức cũng có thể là nguyên nhân gây trễ kinh hay chậm kinh. Tuyến giáp đảm nhận nhiệm vụ điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể, do đó nồng độ hormone cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thông thường các vấn đề tuyến giáp có thể điều trị hiệu quả bằng thuốc. Sau khi điều trị, kinh nguyệt sẽ trở lại chu kỳ đều đặn như bình thường.

14. Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc điều trị bệnh lý như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc trị bệnh tuyến giáp, thuốc hóa trị liệu… có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến chu kỳ hành kinh. Nếu đang sử dụng thuốc và gặp tác dụng phụ là trễ kinh hay mất kinh, chị em hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng loại thuốc khác phù hợp hơn.

 Có nhiều nguyên nhân khiến chị em bị chậm kinh ngoài mang thai, hãy thăm khám sớm để được xác định đúng nguyên nhân và điều trị hiệu quả.

Làm thế nào để nhận biết việc mang thai?

Rất nhiều chị em phát hiện tình trạng trễ kinh và mong đợi rằng đó là dấu hiệu của việc mang thai. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều trường hợp chậm kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai. Để xác định chính xác hơn bản thân có đang mang thai hay không, chị em hãy thử áp dụng các cách sau đây:

1. Chú ý các dấu hiệu mang thai khác

Đối với nhiều người, trễ kinh hay chậm kinh là dấu hiệu mang thai dễ nhận biết nhất. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy có một số triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn cả trễ kinh, chị em có thể để ý và nhận biết, bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn;
  • Thay đổi ở vú;
  • Xuất hiện máu báo thai;
  • Mệt mỏi;
  • Nhức đầu;
  • Đi tiểu thường xuyên.

2. Sử dụng que thử thai

Cách kiểm tra việc mang thai được đông đảo chị em áp dụng đầu tiên là sử dụng que thử thai tại nhà. Que thử thai là dụng cụ xét nghiệm nhanh giúp phát hiện hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) có trong nước tiểu. Việc sử dụng que thử thai giúp chị em xác định việc mang thai hay không dựa trên nồng độ hormone này.

Que thử thai chứa một dải sợi được bao phủ một số kháng thể nhất định phản ứng với hormone hCG trong nước tiểu. Phía trên thân que thử thai có sẵn một vạch gọi là vạch làm chuẩn. Nếu sau khi thử thai trên thân que hiện 2 vạch, nghĩa là kết quả dương tính và chị em đã mang thai. Nếu chỉ hiện 1 vạch, nghĩa là kết quả âm tính, chị em không mang thai hoặc có thể do nồng độ hormone hCG quá thấp nên que thử chưa thể nhận biết.

Để đảm bảo kết quả thử thai tại nhà là chính xác, chị em nên làm đúng hướng dẫn trên bao bì và đợi ít nhất 1 tuần sau ngày đầu tiên bị trễ kinh mới sử dụng que thử. Nên thử que vào buổi sáng khi vừa thức dậy vì lúc này nồng độ hCG trong nước tiểu ở mức cao nhất.

3. Xét nghiệm máu

So với que thử thai tại nhà, xét nghiệm máu có độ chính xác cao hơn. Có 2 loại xét nghiệm máu là xét nghiệm định lượng đo lường chính xác nồng độ hormone hCG trong máu và xét nghiệm định tính hCG cho câu trả lời là có hay không có thai.

Ngoài ra, xét nghiệm máu còn có ưu điểm là có thể phát hiện việc mang thai sớm hơn và có thể đo lường nồng độ hormone hCG trong máu. Đây là thông tin hữu ích giúp theo dõi sát sao các vấn đề trong thai kỳ. Tuy nhiên, xét nghiệm máu sẽ tốn nhiều chi phí hơn và phải thực hiện tại cơ sở y tế.

 Khi phát hiện bị trễ kinh, chị em nên đến cơ sở y tế làm xét nghiệm máu để kiểm tra chắc chắn có mang thai hay không

Cần làm gì khi bị chậm kinh nhưng không có thai?

Nếu đã sử dụng que thử thai tại nhà và cho kết quả âm tính, chị em hãy đợi vài ngày rồi sử dụng que thử kiểm tra lần nữa hoặc đến ngay cơ sở y tế uy tín để làm xét nghiệm máu. Khi xác định chậm kinh nhưng không có thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn chị em các kiểm tra thích hợp để tìm nguyên nhân cụ thể.

Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn chị em giải pháp điều chỉnh hoặc phác đồ điều trị phù hợp. Can thiệp kịp thời và hiệu quả các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn là cách ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ.