Quá trình mang thai gây ra nhiều tác động lên cơ thể người mẹ và có thể dẫn đến những biến đổi không mong muốn. Một trong số những thay đổi đó là hiện tượng phù nề ở một số bộ phận như mặt, bàn tay… và phổ biến nhất là phù chân. Mẹ bầu hãy cùng Phòng Khám Sản Phụ Khoa Bác Sĩ Diệu tìm hiểu về tình trạng này qua bài viết sau đây nhé!

1/ Nguyên nhân gây phù chân khi mang thai

Có 3 nguyên nhân chính gây ra hiện tượng phù nề khi mang thai:

Để cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi đang phát triển, trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ sản xuất thêm 50% lượng máu và dịch cơ thể so với bình thường.
Thai nhi phát triển lớn hơn khiến cho tử cung phải mở rộng để đủ chỗ chứa, tạo sức nặng và chèn ép lên tĩnh mạch chủ phía dưới nên máu bị dồn nhiều ở chân, gây tình trạng phù nề.
Sự thay đổi các hormone bên trong cơ thể cũng là một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng phù nề. Hormone thay đổi khiến thành mạch máu trở nên mềm hơn, máu đưa xuống chân dễ nhưng để vận chuyển ngược lại từ chân về tim thì lại rất khó khăn, dẫn đến chân bị phù.

2/ Thời điểm nào của thai kỳ người phụ nữ sẽ bị phù chân?

Tình trạng phù chân có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình thai kỳ. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện khác nhau:

Ba tháng đầu thai kỳ: Các mẹ có thể thấy xuất hiện hiện tượng phù nhẹ ở vùng mặt, tay hoặc chân. Nếu tình trạng này đi kèm các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, chảy máu,… thì hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ ngay nhé!
Ba tháng giữa thai kỳ: Tình trạng phù ở giai đoạn này trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là sau tháng thứ 5 của thai kỳ. 
Ba tháng cuối thai kỳ: Ở giai đoạn này, hiện tượng phù chân sẽ xuất hiện rõ nhất, càng gần lúc chuyển dạ thì càng nghiêm trọng, tuy nhiên tình trạng này sẽ dần biến mất sau quá trình sinh nở.

3/ Nhận biết tình trạng phù chân ở bà bầu

Hiện tượng phù nề là hiện tượng thường xuất hiện khi mang thai và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vì vậy các mẹ cần chú ý một vài biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm sau:

Xuất hiện khi có các bệnh lý huyết áp, thận hay tim mạch.
Xuất hiện sớm ở những tháng đầu thai kỳ khi thai nhi chưa phát triển đủ lớn để chèn ép gây tình trạng phù.
Có hiện tượng phù ở vùng mắt và ngón tay, mọng vùng quanh mắt, ấn lõm vùng xương trán, tăng cân nhanh hơn 1kg/ tuần. 
Các căn bệnh tiền sản giật (gặp khi thai từ 20 tuần, gồm có cao huyết áp, phù và nước tiểu có đạm), bệnh thận (thường nhất là hội chứng thận hư) đặc biệt nguy hiểm trong thời gian mang thai nên các mẹ nên chú ý đi thăm khám ngay lập tức nếu các triệu chứng trên xuất hiện.

4/ Người phụ nữ có thể làm gì để hạn chế phù chân trong quá trình mang thai?

Mặc dù phù chân đơn thuần không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng các mẹ sẽ phải đối mặt với một tình huống không mong muốn như cảm giác nặng nề, di chuyển khó khăn do tình trạng ứ trệ tuần hoàn, nguy cơ mắc phải bệnh lý dãn tĩnh mạch chi dưới về sau. Các mẹ có thể tham khảo một số cách sau để làm giảm triệu chứng phù chân:

4.1 Thay đổi chế độ ăn uống

Giảm ăn mặn.
Hạn chế tình trạng tích nước trong cơ thể bằng cách uống nhiều nước để kích thích thận bài tiết thường xuyên. 
Hạn chế tiêu thụ những thực phẩm chứa cafein, gas, cồn, nhiều muối… để đảm bảo thai nhi phát triển toàn diện và tốt cho sức khỏe của mẹ.
Tăng cường việc bổ sung các loại chất xơ và vitamin từ rau củ và trái cây.

4.2 Thay đổi chế độ sinh hoạt

Hạn chế áp lực máu tụ ở chân bằng cách:

  • Gác chân cao khi nghỉ ngơi, nằm nghiêng khi ngủ.
  • Nếu ngồi lâu thì nên gác chân lên ghế hoặc gối nhỏ.
  • Không bắt chéo chân khi ngồi.
  • Không đứng quá lâu ở một chỗ mà nên đi lại thường xuyên.
  • Thường xuyên cử động ngón chân và xoay mắt cá chân.
  • Tắm và ngâm chân bằng nước lạnh.
  • Tập thể dục đều đặn với những bài tập nhẹ nhàng. 

4.3 Lựa chọn trang phục phù hợp

Ưu tiên chọn quần áo rộng rãi và thoải mái, tránh mặc đồ quá sát sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
Sử dụng những đôi giày, dép và vớ quá chật sẽ gia tăng các triệu chứng phù chân hoặc tệ hơn là gây chứng viêm tấy kẽ chân, chai, sần ngón chân. Thay vào đó, các mẹ nên lựa chọn giày, dép và vớ vừa chân, ưu tiên đế thấp hoặc bằng để giảm thiểu mọi nguy hiểm.

Hy vọng bài viết trên đã giúp các chị em có một cái nhìn tổng quan về tình trạng phù nề ở chân khi mang thai. Hãy áp dụng ngay những mẹo mà Phòng Khám Sản Phụ Khoa Bác Sĩ Diệu đã chia sẻ để giúp thai kỳ của bạn trở nên thoải mái và dễ chịu hơn nhé!

Lưu ý khi cơ thể xuất hiện bất cứ một biến đổi nào đó trong thai kỳ, mẹ bầu nên giữ bình tĩnh và hãy liên hệ ngay với Phòng Khám Sản Phụ Khoa Bác Sĩ Diệu để được thăm khám kịp thời nhé! Chúc tất cả mẹ bầu đều có thai kỳ khỏe mạnh và chuẩn bị cho mình những hành trang tốt nhất để chào đón bé yêu chào đời.