Mang thai qua hình thức thụ tinh trong ống nghiệm không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, với những người đang tìm hiểu, lần đầu tiếp cận với phương pháp này thì quy trình thụ tinh ống nghiệm sẽ rất được quan tâm. Thông qua nội dung dưới đây, bạn sẽ hiểu hơn về quy trình đó để giải tỏa được băn khoăn và chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước khi thực hiện.

1. Thụ tinh ống nghiệm là gì, dành cho ai?

1.1. Thụ tinh ống nghiệm là gì?

Thụ tinh ống nghiệm là một trong những kỹ thuật được thực hiện để hỗ trợ điều trị vô sinh, hiếm muộn. Với kỹ thuật này, tinh trùng và trứng sẽ tạo thành phôi qua hình thức thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Phôi sau khi đã được trải qua khoảng thời gian nuôi cấy nhất định sẽ được đưa vào tử cung để hình thành bào thai.

Thụ tinh ống nghiệm là hình thức tạo ra phôi ở phòng lab rồi chuyển vào tử cung

Thụ tinh ống nghiệm là hình thức tạo ra phôi ở phòng lab rồi chuyển vào tử cung

1.2. Ai cần thụ tinh ống nghiệm?

Phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng hình thức này thường được áp dụng với các trường hợp:

- Bị vô sinh xuất phát từ căn nguyên vòi trứng: cắt bỏ vòi trứng, tổn thương hay tắc vòi trứng,…

- Bị vô sinh xuất phát từ căn nguyên bệnh lý về tử cung.

- Bị vô sinh do vấn đề về xuất tinh, tinh trùng,...

- Cặp vợ chồng đã lớn tuổi, bị suy giảm dự trữ buồng trứng.

- Đã nhiều lần bơm tinh trùng nhưng không có kết quả.

- Bị vô sinh hiếm muộn chưa tìm được nguyên nhân.

- Cặp vợ chồng có rối loạn di truyền cần thực hiện biện pháp giảm thiểu nguy cơ bệnh lý này ở thế hệ sau.

2. Quy trình thụ tinh ống nghiệm được thực hiện như thế nào?

2.1. Một số việc cần chuẩn bị trước khi thụ tinh ống nghiệm

Trước khi tiến hành các bước thụ tinh, bác sĩ sẽ chỉ định cả hai vợ chồng làm những xét nghiệm cần thiết để kiểm tra, đánh giá sức khỏe cùng chức năng sinh sản:

- Với nữ giới: khám phụ khoa, xét nghiệm dịch tiết âm đạo, siêu âm tử cung - phần phụ, sàng lọc ung thư cổ tử cung, xét nghiệm nội tiết tố nữ, xét nghiệm dự trữ buồng trứng,...

- Với nam giới: xét nghiệm tinh dịch đồ để xác định các tính chất cần cho thụ tinh trong ống nghiệm.

- Cả hai vợ chồng cùng xét nghiệm: các bệnh truyền nhiễm (HIV, viêm gan B,...), nhóm máu,...

Nam giới cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ trước khi tiến hành thụ tinh ống nghiệm

2.2. Quy trình thực hiện thụ tinh ống nghiệm

Thông thường, quy trình thụ tinh ống nghiệm được diễn ra với các bước:

2.2.1. Khám sức khỏe và đánh giá chức năng sinh sản

Thực hiện các xét nghiệm đã được trình bày ở trên.

2.2.2. Kích thích buồng trứng

Người vợ sẽ được đếm số nang noãn thứ cấp và dùng thuốc kích trứng trong 8 - 12 ngày. Ngoài ra, thời gian này cũng sẽ diễn ra một số kiểm tra để đánh giá nang noãn, xem xét dùng thuốc cho phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ thể. Khi nang noãn đạt yêu cầu, người phụ nữ sẽ được tiêm thuốc kích rụng trứng.

2.2.3. Chọc hút trứng

Sau tiêm kích rụng trứng sẽ cần chờ thêm khoảng 40 giờ để tiếp tục bước thứ 3 của quy trình thụ tinh ống nghiệm. Trước khi chọc hút trứng, phụ nữ cần nhịn ăn để không ảnh hưởng đến khâu gây mê sau đó và sẽ được bác sĩ chọc hút trứng, lưu lại viện 2 - 3 giờ để theo dõi sức khỏe. Trứng và dịch nang sau khi được chọc hút sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm.

Cùng thời điểm này, nam giới cũng sẽ được lấy tinh trùng để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm.

Mô tả về quy trình thụ tinh ống nghiệm

2.2.4. Thụ tinh trong ống nghiệm

Trứng và tinh trùng được thụ tinh để hình thành phôi từ phòng thí nghiệm. Chỉ khi phôi đạt chuẩn chất lượng thì mới được đưa vào tử cung, số phôi dư được đem trữ đông dự phòng cho những lần thụ tinh sau đó. Người vợ cũng sẽ được kê thuốc đường uống kết hợp thuốc đặt âm đạo để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.

2.2.5. Chuyển phôi

Sau thời gian được nuôi cấy, bác sĩ sẽ thông báo để cặp vợ chồng được biết về chất lượng và số lượng phôi được tạo thành. Cả hai bên cũng sẽ thống nhất về số phôi sẽ chuyển vào buồng tử cung và số phôi trữ lạnh.

Người vợ sẽ được kiểm tra, đánh giá chất lượng niêm mạc tử cung đã đủ điều kiện cho trứng làm tổ và phát triển chưa. Nếu những điều kiện này đạt thì quá trình chuyển phôi vào buồng tử cung sẽ được diễn ra.

Sau khi chuyển phôi thành công, người vợ được nằm theo dõi tại viện trong 2 - 4 giờ rồi mới về nhà. Thời gian sau đó, người vợ tiếp tục dùng thuốc nội tiết và thực hiện kế hoạch sinh hoạt, nghỉ ngơi theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu phôi chuyển vào tử cung là phôi trữ thì sẽ cần siêu âm và dùng thuốc theo dõi niêm mạc tử cung trong 14 - 18 ngày sau đó mới chọn ngày để chuyển phôi.

2.2.6. Thử thai

Phôi sau khi đã ở trong tử cung khoảng 2 tuần thì người vợ sẽ được làm xét nghiệm beta. Nếu kết quả xét nghiệm này cho chỉ số trên 25 IU/l tức là đã có thai. Nếu nồng độ beta HCG sau 2 ngày tăng lên gấp rưỡi chứng tỏ thai đang phát triển và cần sử dụng thuốc dưỡng thai cho đến khi siêu âm xác định được kết quả túi thai và tim thai.

Xét nghiệm beta HCG giúp đánh giá kết quả mang thai từ quá trình thụ tinh ống nghiệm

Trường hợp sau 2 ngày nồng độ beta HCG giảm hoặc không tăng thì cần theo dõi. Nếu nồng độ beta HCG dưới 5 IU/l tức là bị sảy thai.

2.2.7. Theo dõi thai

Khi quá trình thụ thai đã thành công, thai phụ sẽ tiến hành lịch khám thai định kỳ như các thai phụ khác để được theo dõi quá trình thai phát triển.

3. Tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm như thế nào?

Nếu quy trình thụ tinh ống nghiệm trên đây được thực hiện bài bản, đúng kỹ thuật thì tỷ lệ thành công trên thế giới vào khoảng 40 - 45%. Ở nước ta, tỷ lệ này chỉ khoảng 35 - 40% và sẽ giảm 2 - 10% ở phụ nữ trên 40 tuổi đồng thời phụ thuộc vào một số yếu tố như:

- Tuổi của người chồng.

- Chế độ dinh dưỡng khoa học.

- Đời sống sinh hoạt.

- Bệnh lý sinh dục mắc phải.

- Cơ sở y tế tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Nói chung, quy trình thụ tinh ống nghiệm tương đối phức tạp, đòi hỏi các điều kiện y tế nghiêm ngặt và hiện đại cùng với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn giỏi. Vì thế, trước khi thực hiện phương pháp thụ thai này, bạn nên tìm hiểu kỹ để chọn đúng địa chỉ uy tín