Mang thai mùa nắng nóng mẹ bầu mệt mỏi gấp nhiều lần người bình thường, cùng với đó là nguy cơ sinh non, thể trọng thai nhi ốm yếu hơn nếu tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao. Do đó mẹ bầu cần đặc biệt chú ý chăm sóc sức khỏe để vượt qua thai kỳ một cách an toàn.
1. Nắng nóng gây nguy cơ gì tới bà bầu và thai nhi
Thân nhiệt của phụ nữ mang thai thường cao hơn so với người bình thường. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố và gia tăng lượng máu dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng lên, từ 36,9° C đến 37,5° C (bình thường là khoảng 36,2 đến 37° C).
Thời tiết nắng nóng nếu mẹ bầu không được nghỉ ngơi đúng cách, làm việc quá sức hoặc phơi nắng trong thời gian quá dài thì có thể dẫn đến mất nước, sốc nhiệt. Thai phụ có thể ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, lúc này thai nhi có nguy cơ mất tim thai.
Việc sốc nhiệt cũng khiến sức đề kháng của bà bầu giảm nên dễ bị virus, vi khuẩn tấn công như bệnh: cúm, thủy đậu, sởi – quai bị - rubella. Những bệnh này có thể gây dị tật cho thai nhi.
Ngoài ra nếu mẹ bị mất nước nghiêm trọng do nắng nóng sẽ khiến lượng máu trong cơ thể không thể lưu thông đến tử cung như bình thường. Đồng thời tuyến yên bị kích thích tiết ra nhiều hormone hơn gây co bóp tử cung và dễ dẫn đến sinh non.
2. Lưu ý cho bà bầu mùa nắng nóng để có thai kỳ khỏe mạnh
- Luôn giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái: Mùa hè oi bức khiến chúng ta dễ cáu gắt, bực bội tuy nhiên mẹ bầu cần giữ tinh thần luôn vui vẻ, tâm lý thoải mái sẽ tốt cho em bé trong bụng.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát: Nhà cửa cần sạch sẽ, thoáng mát sẽ giúp mẹ bầu thoải mái và tốt cho sức khỏe, tránh các bệnh về đường hô hấp.
- Tập thể dục phù hợp: Mùa hè nắng nóng mẹ hạn chế dạo bộ ngoài trời, thay vào đó mẹ có thể tập yoga để tạo cảm giác thư thái, giúp mẹ linh hoạt hơn để chuẩn bị cho cuộc “vượt cạn” an toàn.
- Chọn trang phục rộng rãi thoải mái: Mẹ bầu nên ưu tiên mặc trang phục có chất liệu cotton mỏng, nhẹ, thấm hút mồ hôi. Tránh mặc trang phục bó sát gây bức bí, nóng nực.
3. Dinh dưỡng mùa hè cho mẹ bầu
Thời tiết nắng nóng của mùa hè khiến cho bà bầu càng thêm mệt mỏi, không muốn ăn uống. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để cho thai nhi có thể phát triển khỏe mạnh.
Mẹ bầu nên ăn uống đủ dinh dưỡng và rau xanh
3.1. Những thực phẩm tốt cho bà bầu
Tăng cường rau xanh: Bên cạnh vitamin và khoáng chất, rau xanh còn tăng cường chất xơ và chất chống oxy hóa giúp tăng đề kháng cho mẹ bầu, hạn chế tình trạng táo bón. Mẹ nên ăn đa dạng các loại rau, ăn nhiều rau lá xanh đậm và các loại củ quả như bí đao, củ sen, ngó sen, củ cải... Mẹ bầu nên ăn nhiều hoa quả, lưu ý chọn trái cây tươi nhiều nước và ít ngọt như: thanh long, đu đủ, trái cây họ cam, quýt, nước dừa, dưa hấu, chuối…
Bổ sung các loại hạt: Phổ biến và dễ kiếm nhất là các loại đỗ như : đỗ đen, đỗ xanh, đỗ đỏ... khi chế biến bà bầu nhớ để cả vỏ, vì chúng giúp thanh nhiệt tốt lại cung cấp nhiều vitamin E, vitamin nhóm B và các chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Các loại đồ uống: Đầu tiên và quan trọng nhất là mẹ bầu phải bổ sung nhiều nước để tránh mất nước vào mùa nắng nóng. Mẹ cũng có thể uống nước dừa, nước cam, nước ép ổi, dưa hấu để bổ sung vitamin cho cơ thể.
Mẹ bầu nên uống đủ nước
3.2. Những thực phẩm mẹ bầu không nên ăn
Mẹ bầu nên ăn các đồ hấp, luộc, hạn chế ăn đồ dầu mỡ, chiên, rán... Hạn chế ăn đồ ngọt vì có thể gây tiểu đường thai kỳ. Hạn chế ăn thịt đỏ như thịt bò, dê, cừu... thay vào đó mẹ bầu nên ăn trứng, thịt trắng và cá.
4. Những điều bà bầu cần tránh mùa nắng nóng
Tránh tắm nước lạnh: Mùa hè tắm nước lạnh dễ khiến các mạch máu bị co đột ngột việc này không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối tượng có sức đề kháng yếu như bà bầu. Vì vậy tốt nhất mẹ bầu nên tắm bằng nước ấm và tránh ngâm mình quá lâu.
Tránh uống nước lạnh: Cùng giống như tắm bằng nước lạnh, việc uống nước lạnh nhất là nước đá sẽ khiến các mạch máu bị co đột ngột dễ dẫn đến viêm họng. Mẹ bầu nên uống nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm sẽ tốt cho cơ thể.
Tránh ở quá lâu trong điều hòa và để chế độ nhiệt độ thấp: Mở điều hòa quá lâu không khí sẽ khô dễ dẫn đến việc khô niêm mạc mũi, điều này có thể tăng nguy cơ virus, vi khuẩn tấn công. Mẹ bầu không nên mở điều hòa ở nhiệt độ thấp và ngồi trực diện với hướng gió thổi. Nhiệt độ lý tưởng là khoảng 25-28 độ C. Nên vào phòng rồi mới bật điều hòa và tắt điều hòa trước khi ra khỏi phòng để tránh sốc nhiệt.
Tránh tiếp xúc với ánh nắng gay gắt mùa hè: Thai phụ nên tránh ra đường từ 10h sáng đến 4h chiều để phòng say nắng, cảm nắng. Khoảng thời gian này tia UV đạt đỉnh gây nguy hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Không nên đi, đứng dưới trời nắng quá lâu. Nếu phải ra đường cần mặc quần áo dài che kín, đội mũ rộng vành và mang theo nước uống.
Tránh ngồi sai tư thế: Đối với những thai phụ đang ở tam cá nguyệt thứ 3 hiện tượng phù chân rất dễ xảy ra. Nắng nóng mẹ bầu hạn chế đi lại càng gia tăng nguy cơ bị phù chân. Do đó các mẹ cần rèn luyện một số thói quen như:
- Nên đi bộ 2-3 lần mỗi tuần vào lúc trời mát.
- Nên đi giày, dép thoải mái, dễ chịu và đế thấp.
- Nên kê chân lên gối trong khi ngủ.
- Nằm nghỉ từ 30-60 phút trong giờ nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc.
5. Kết luận
Mang thai là cả một hành trình vất vả của người phụ nữ, nhất là mang thai vào mùa hè mẹ bầu lại càng mệt mỏi hơn gấp nhiều lần. Do đó mẹ cần chăm sóc thật tốt cho sức khỏe để chào đón con yêu ra đời an toàn, khỏe mạnh. Bên cạnh đó mẹ có thể chia sẻ với chồng và người thân trong gia đình để cảm thấy thoải mái và nhận được sự chăm sóc tốt nhất.
Nếu mẹ bầu có những dấu hiệu bất thường như: cơ thể mệt mỏi quá sức, xuất hiện cơn gò tử cung hoặc đau bụng, buồn nôn, ra máu... thai phụ cần nhanh chóng gặp bác sĩ của mình hoặc đến bệnh viện để được các thăm khám kịp thời.