Siêu âm là phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp đánh giá sức khỏe của phụ nữ mang thai. Đây là một kỹ thuật an toàn, chính xác và đơn giản, tuy nhiên vẫn còn nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa của siêu âm thai hay nên siêu âm vào thời điểm nào của thai kỳ? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.

1. Siêu âm là gì?
Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, an toàn, được áp dụng phổ biến trong y tế. Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng siêu âm (sóng có tần số cao) để xây dựng và tái tạo hình ảnh về những cấu trúc bên trong cơ thể, giúp ích cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh.

Khi siêu âm, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò tỳ sát lên da, đầu dò này vừa có chức năng phát và thu sóng siêu âm, khi các tinh thể bên trong đầu dò phát sóng siêu âm truyền vào bên trong cơ thể, các mô, xương bên trong sẽ hấp thụ hoặc truyền qua một phần, một phần khác phản xạ lại sóng âm, đầu dò thu nhận sóng phản hồi, gửi đến bộ máy xử lý để tạo ra những tín hiệu hình ảnh mà chúng ta quan sát được trên máy tính.

2. Tại sao bà bầu cần siêu âm thai?
Siêu âm thai là phương pháp kiểm tra nhờ vào sóng siêu âm để có được hình ảnh của em bé cũng như nhau thai, tử cung cùng những bộ phận khác nằm trong khung chậu người mẹ. Siêu âm thai là biện pháp an toàn giúp bác sĩ theo dõi sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé.

Siêu âm trong sản khoa được chỉ định cho tất cả phụ nữ mang thai, đặc biệt ở những người có dấu hiệu bất thường như:

  • Đau bụng
  • Nôn mửa
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Mất kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai

Trong quá trình mang thai, người mẹ cần thực hiện siêu âm thai định kỳ, vì những lý do sau:

  • Siêu âm giúp phát hiện những bất thường của mẹ và bé mà khám lâm sàng không thấy được.
  • Khám lâm sàng và tiền sử bệnh gia đình không giúp chẩn đoán được mẹ bầu có chửa nhiều thai.


Siêu âm thai là biện pháp an toàn giúp bác sĩ theo dõi sự tiến triển của thai kỳ và sức khỏe của bé

3. Nên siêu âm vào thời điểm nào của thai kỳ?
Theo lời khuyên của các bác sĩ Sản khoa, các mẹ bầu nên thực hiện siêu âm thai ít nhất 3 lần trong suốt thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé

Thai ở tuần thứ 12:
Lần siêu âm đầu tiên của thai kỳ được tiến hành vào tuổi thai 11 tuần 6 ngày đến 13 tuần 6 ngày. Những xét nghiệm khi thai 12 tuần giúp bác sĩ xác định tuổi thai một cách chính xác nhất. Quan trọng hơn cả, giai đoạn này bác sĩ có thể quan sát độ mờ da gáy thông qua siêu âm, qua đó giúp phát hiện sớm những bất thường nhiễm sắc thể ( bệnh Down, dị tật chi, thoát vị cơ hoành, ...). Nếu bỏ lỡ thời điểm này việc xác định độ mờ da gáy không còn chính xác nữa.

Thai ở tuần 22:
Thời điểm này những cơ quan bên trong thai nhi đã hình thành đầy đủ , khi quan sát hình ảnh thu được từ siêu âm, các bác sĩ sẽ biết được các cơ quan đó có phát triển bình thường hay không. Các cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, tay chân, bánh rau, dây rốn của thai nhi ở thời kỳ này đều có thể được nhìn thấy. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường về hình thái của thai như dị dạng cơ quan nội tạng, sứt môi, hở hàm ếch.

Siêu âm thai ở giai đoạn này rất quan trọng vì nếu cần đình chỉ thai nghén thì phải làm trước tuần thứ 28.

Thai ở tuần thứ 32:
Lần siêu âm này thực hiện khi thai được 30 - 32 tuần, giúp đánh giá sự tăng trưởng của thai, phát hiện một số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở động mạch, tim, não của thai nhi 32 tuần. Ngoài ra còn giúp bác sĩ nhận biết tình trạng phát triển chậm trong tử cung - đây là nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau sinh.

Tuy các dị tật phát hiện vào thời điểm này đã muộn, không thể can thiệp nhưng bác sĩ có thể tìm ra cách xử trí phù hợp khi sinh và chuẩn bị cho việc chăm sóc, chữa bệnh cho trẻ kịp thời sau đó.


Tuần 12, 22 và 32 là những mốc siêu âm thai cần nhớ
Ngoài 3 lần siêu âm quan trọng này, nếu trong thai kỳ có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, thai phụ phải đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám và xử trí kịp thời.

4. Siêu âm nhiều có tốt không?
Cho đến nay, siêu âm là phương pháp chẩn đoán an toàn, không gây đau cho mẹ và bé, siêu âm không sử dụng bức xạ nên không lo những biến chứng nguy hiểm của tia đối với sức . Chưa có bằng chứng y khoa nào cho thấy siêu âm thai gây nguy hại cho thai nhi, tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta có thể lạm dụng siêu âm. Việc tiến hành siêu âm nên thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

5. Những lưu ý trước khi siêu âm
Quy trình siêu âm khá đơn giản và nhẹ nhàng, bác sĩ sẽ bôi một lớp gel trong suốt lên bụng mẹ (lớp gel này giúp hạn chế không khí chen vào giữa đầu dò và da của bạn) , sau đó sử dụng dụng cụ cầm tay có chứa đầu dò để di chuyển khắp vùng bụng, giúp ghi nhận những hình ảnh của thai nhi.

Dưới đây là một số lưu ý dành cho mẹ bầu trước khi thực hiện siêu âm thai:

Đi khám thai, siêu âm theo đúng lịch, giúp phát hiện sớm những bất thường nếu có
Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái khi đi siêu âm
Dù chưa có bằng chứng về sự nguy hại của siêu âm đến thai nhi, nhưng người mẹ cũng không nên lạm dụng siêu âm
Có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn uống nhiều nước và nhịn tiểu trước khi siêu âm để đẩy bàng quang lên, tiện cho việc theo dõi hình ảnh thai nhi
Thông thường, siêu âm thai lần đầu vào tuần thứ 12, tuy nhiên nếu thai phụ từng bị sảy thai, từng điều trị vô sinh, đang điều trị bệnh hay có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và có thể tiến hành siêu âm sớm hơn.
Với mong muốn đem đến sự chăm sóc toàn diện cho mẹ bầu 1 thai kỳ khỏe mạnh và sinh con an toàn. Chương trình THAI SẢN TRỌN GÓI tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ cung cấp cho mẹ đầy đủ các dịch vụ thăm khám, siêu âm định kỳ 2D, 4D phát hiện và phòng ngừa những biến chứng thai kỳ cùng nhiều quyền lợi gia tăng để giúp mẹ có 1 cuộc chuyển dạ dễ dàng, hạnh phúc bên con yêu.

Để đặt lịch khám tại Phòng khám sản phụ khoa bác sĩ Diệu, Quý khách vui lòng gọi hotline/Zalo: 0914.027.070  hoặc nhắn tin tại đây