Giai đoạn phục hồi sau sinh diễn ra như thế nào phụ thuộc vào sức khỏe của người mẹ trước khi mang thai, ngoài ra nó còn phụ thuộc nhiều vào cách chăm sóc của người nhà với người mẹ trong giai đoạn này có khoa học hay không. 

Để không phải đối diện với quá nhiều bỡ ngỡ, chị em cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết liên quan đến giai đoạn này. Hãy cùng Phòng Khám Sản Phụ Khoa Bác Sĩ Diệu lưu lại những điều cần biết về giai đoạn phục hồi sau sinh qua bài viết sau nhé!

1/ Những thay đổi của cơ thể sau sinh
1.1/ Bụng 

Do thay đổi về nội tiết tố và chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ nên lượng mỡ bụng dưới da sẽ bị tăng lên, đặc biệt tồn tại những vết rạn và vùng da này dần tối màu đi. Sau từ 1,5-2 tháng, chị em đã có thể tập luyện nhẹ nhàng để giảm mỡ ở phần bụng, còn các vết rạn phần lớn sẽ không thể biến mất mà chỉ có thể mờ dần theo thời gian.
Ngoài thay đổi về mặt vật lý, chị em sau sinh thường phải đối mặt với những cơn đau bụng, đặc biệt là là khi cho con bú bởi việc này có thể kích thích co bóp tử cung gây đau bụng. Nếu sinh mổ, bạn còn có thể bị đau ở vết mổ.

Đau bụng sau sinh kéo dài bao lâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.  Tuy nhiên, phụ nữ sinh mổ thường bị đau bụng lâu hơn phụ nữ sinh thường. 

1.2/ Ngực

Nuôi con bằng sữa mẹ là rất tốt, tuy nhiên đây không phải là một việc  dễ dàng. Ngay sau khi sinh, nồng độ estrogen và progesterone giảm, trong khi prolactin, hormone giúp tạo sữa mẹ lại tăng lên. Lưu lượng máu và sữa tăng lên làm cho bộ ngực của bạn thậm chí còn lớn hơn khi mang thai và đạt kích thước cực đại từ hai đến ba ngày sau khi sinh, lúc này ngực của bạn sẽ khá cứng và đau.
Cơn đau sẽ giảm dần khi bạn bắt đầu cho con bú. Tuy nhiên, nếu bạn không cho con bú, cơn đau tiếp tục cho đến khi bạn ngừng sản xuất sữa.
Các triệu chứng thường diễn ra tồi tệ nhất trong những ngày đầu sau sinh, bạn có thể thử các phương pháp điều trị giảm đau như massage hay chườm nóng và tích cực cho con bú hoặc dùng máy hút sữa . Nếu tình trạng này càng diễn tiến nặng hơn thì bạn phải đến bác sỹ thăm khám để điều trị viêm tắc tia sữa nếu có nhé.

1.3/ Vùng kín

Sau khi sinh, âm đạo chị em hoàn toàn thay đổi, âm đạo bị giãn ra, thậm chí bị sưng và bầm tím. Dù quá trình sinh nở của chị em đã diễn ra một cách thuận lợi, nhưng vẫn có thể bị đau ở vùng giữa âm đạo và hậu môn. Những phụ nữ bị rách tầng sinh môn trong khi sinh hoặc bị rạch tầng sinh môn thì vùng kín sẽ rất đau trong thời gian đầu sau sinh vì đây là một khu vực rất nhạy cảm.
Để giảm bớt đau đớn và phục hồi vùng kín sau sinh, bạn có thể ngồi lên gối hoặc đệm thật êm, chườm mát, túi chườm lạnh để giảm đau, giảm sưng.

Dù bạn sinh thường hay sinh mổ thì âm đạo đều sẽ bị ra sản dịch sau sinh. Đây là một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên do niêm mạc tử cung bong ra. Sản dịch sau sinh ban đầu có màu đỏ kèm theo máu, sau đó đến màu trắng nhạt rồi đến trong suốt. Phụ nữ sau sinh nên dùng băng vệ sinh mềm để thấm hút sản dịch, không nên dùng tampon để tránh viêm nhiễm. Sản dịch sau sinh sẽ thường hết trong vòng vài tuần.
Tuy nhiên, nếu sản dịch có màu vàng sẫm hoặc xanh và có mùi khó chịu thì đó có thể là dấu hiệu bạn đã bị nhiễm trùng. Nếu thấy sản dịch có những dấu hiệu bất thường hoặc chứa nhiều máu đỏ tươi, máu vón cục kèm theo đau bụng, sốt… thì bạn cần đi khám ngay.

1.4/ Kinh nguyệt

Đa số phụ nữ sau sinh thường không có kinh nguyệt trong 6 tuần đầu mà chỉ bắt đầu có lại kinh nguyệt sau khoảng 6 – 8 tuần. Nếu bạn cho con bú thì chu kỳ kinh nguyệt có thể đến muộn hơn sau vài tháng hoặc thậm chí là 1 năm.
Sau khi có kinh nguyệt trở lại, bạn có thể thấy nhiều khác biệt như chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc kéo dài, kinh nguyệt ra nhiều hơn và những cơn khó chịu trong ngày đèn đỏ cũng trở nên nghiêm trọng hơn.
Mặc dù không có kinh nguyệt trong giai đoạn sau sinh nhưng phụ nữ vẫn có thể mang thai. 

Theo các chuyên gia sức khỏe thì thời điểm phù hợp để mang thai lần tiếp theo là 12–18 tháng sau sinh thường và trên 24 tháng sau sinh mổ. Nếu hai lần mang thai quá liền nhau thì sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ như sinh non, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, thai chậm phát triển… Chính vì vậy, chị em sau sinh cần áp dụng các biện pháp tránh thai hợp lý để kiểm soát quá trình thụ thai sau sinh 6 tuần. 

2/ Những thay đổi về tâm lý sau sinh
2.1/ Mệt mỏi và lo âu

Sự thay đổi nội tiết tố đột ngột sau sinh có thể gây ra triệu chứng bốc hỏa giống như tiền mãn kinh. Theo thống kê có trên 33% phụ nữ sau sinh bị bốc hỏa trong thời kỳ mang thai và 29% bị bốc hỏa, ra nhiều mồ hôi sau sinh. Sau sinh 2 tuần, tình trạng này sẽ giảm dần. Những phụ nữ có dấu hiệu trầm cảm và những người có chỉ số BMI cao trước khi mang thai sẽ dễ bị bốc hỏa hơn.
Khoảng 50–80% phụ nữ trải qua hội chứng baby blue trong vài tuần đầu sau sinh khiến tâm trạng thay đổi thất thường và dễ dàng chán nản, buồn bã, lo lắng, ủ rũ, khóc lóc… Hội chứng baby blue xuất hiện do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm thay đổi hormone, stress, mệt mỏi…. Nếu tình trạng này kéo dài hơn 4 tuần và ngày càng nghiêm trọng thì có thể bạn đã mắc chứng trầm cảm sau sinh. Theo thống kê có khoảng 20% phụ nữ sau sinh mắc phải chứng trầm cảm. 

2.2/ Chán nản chuyện quan hệ tình dục

Cơ thể người phụ nữ sau sinh có nhiều thay đổi, đồng thời với áp lực chăm sóc con ngày đêm thường làm chị em cảm thấy giảm ham muốn quan hệ tình dục. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống vợ chồng về lâu dài. Để khắc phục tình trạng này, chị em cần cởi mở chia sẻ với người bạn đời của mình để cả hai thấu hiểu nhau hơn và tạo cảm giác thoải mái hơn khi ở gần nhau. 

2.3/ Nguy cơ biến chứng và các bệnh lý thường gặp sau sinh

Sau khi sinh, chị em rất dễ gặp phải một số bệnh lý như: táo bón, trĩ, cao huyết áp, tiểu đường sau sinh…
Thông thường sau khi sinh 4-6 tuần, bạn nên đi khám để kiểm tra sự phục hồi sức khoẻ sau sinh và thực hiện các xét nghiệm như xét nghiệm nước tiểu, máu và khám phụ khoa để kiểm tra xem tử cung và âm đạo có phục hồi tốt hay không. Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe như suy giáp, tiểu đường hay tâm lý… thì bạn sẽ cần thực hiện thêm các xét nghiệm chuyên khoa khác.